PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương nhận định: “Năm 2023, thị trường bất động sản sang trang mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; trong đó, rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi”.

Kỳ vọng về gói thể chế trong năm 2023

Tại diễn đàn Dự báo thị trường bất động sản 2023 vừa diễn ra mới đây, TS. Phan Đức Hiếu, Ủy viên thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, hiện nay đang có nhiều yếu tố tác động đến thị trường bất động sản.

Với những dư địa nhìn từ góc độ thể chế, ông Hiếu nhận định, trên thực tế từ phía Chính phủ đã rất chủ động hoàn thiện khung pháp lý cho thị trường bất động sản nói riêng và môi trường thể chế nói chung như kế hoạch sửa đổi Luật Đất đai; kế hoạch sửa đổi luật kinh doanh bất động sản; kế hoạch sửa đổi Luật Nhà ở... để chủ động xây dựng thị trường hướng đến bền vững và ổn định.

Bên cạnh đó, hành động từ Chính phủ cũng rất quyết liệt. Khi xuất hiện các vấn đề, Thủ tướng Chính phủ thành lập tổ công tác rà soát khó khăn và hoạt động tích cực.

Ông Phan Đức Hiếu cho rằng, những động thái từ Chính phủ về mặt thể chế để tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cả trong ngắn hạn và cả tầm nhìn dài hạn.

Trong các vấn đề chính sách, ngay từ đầu giai đoạn phục hồi và phát triển, chúng ta đã nhận thức vấn đề giải quyết về lao động như xây dựng hệ sinh thái bao gồm nhà ở và các hạ tầng xã hội khác để người lao động có thể yên tâm cống hiến.

Từ góc độ thể chế, ông Hiếu cho biết, thời gian tới sẽ có một số Luật dự kiến được sửa đổi và thông qua vào cuối năm 2023, có hiệu lực từ năm 2024. Những khung pháp lý căn cơ để hỗ trợ cho thị trường bất động sản về mặt lâu dài dự kiến ít nhất sẽ xảy ra trong năm 2024.

Ông Hiếu cho biết, kỳ vọng sớm nhất về gói thể chế trong năm 2023 phụ thuộc vào kết quả hành động của Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ và triển khai các chính sách hỗ trợ xây dựng nhà ở xã hội.

Ông Hiếu nhận định, khoảng từ đầu năm 2023 từ góc độ chính sách, thị trường bất động sản vẫn có thể tiếp tục phải cầm chừng và có thể có những thay đổi bước sang quý II. Tuy nhiên, ông Hiếu cho biết, đây là những thay đổi có điều kiện, tức là phụ thuộc rất nhiều vào hành động. "Dù vậy, nếu có các vấn đề khác bất ngờ xảy ra cũng có thể thay đổi thị trường sớm hơn", ông Hiếu nói.

Năm 2023, bất động sản sang "trang mới"

Cũng tại diễn đàn, PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương cho rằng: “Năm 2023, thị trường bất động sản sang trang mới khi nhiều Luật liên quan dự kiến được sửa đổi và thông qua như Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai; trong đó, rất quan trọng là Luật Đất đai sửa đổi”.

PGS.TS Trần Kim Chung - nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Về 5 phân mảng thị trường, theo TS Trần Kim Chung, ở thị trường đầu tiên là thị trường đất đai đã có dấu hiệu tốt lên và được kỳ vọng có thể đưa luồng tiền lớn vào thị trường với những yếu tố quan trọng được đề cập trong Nghị quyết số 18-NQ/TW hội nghị lần thứ 5 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII về "Tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao".

Thứ hai, thị trường nhà ở từ tình trạng mất cân đối cung cầu trong năm 2022 sẽ có thay đổi khi Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo chú trọng phát triển nhà ở xã hội góp phần đưa ra thị trường sản phẩm hàng hoá phù hợp kèm theo những cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính.

Thứ ba, thị trường bất động sản công nghiệp chưa khi nào có cơ hội tốt như hiện nay. Nhiều doanh nghiệp FDI đầu tư vào Việt Nam trong bối cảnh dịch chuyển luồng vốn trên thế giới. Kết thúc năm 2022, dù chịu nhiều tác động của tình hình thế giới nhưng nền kinh tế Việt Nam vẫn duy trì tốc độ tăng trưởng 8%, lạm phát kiểm soát ở mức 3%...

Thứ tư, thị trường bất động sản nghỉ dưỡng đã bắt đầu tăng trở lại sau khi du lịch Việt Nam mở cửa và khởi sắc.

Thị trường cuối cùng trong 5 phân mảng là bất động sản tài chính.

Trước những triển vọng tích cực, để thị trường bất động sản tiếp tục phát triển, TS Trần Kim Chung kiến nghị một số giải pháp như hoàn thiện hệ thống pháp luật liên quan đến bất động sản; hoàn thiện các chỉ báo thị trường bất động sản như chỉ số giá đất, chỉ số giá nhà, chỉ số thị trường nhà…; tăng cường minh bạch thị trường, huy động các nguồn lực tiềm năng các doanh nghiệp phát triển bất động sản cần hướng đến tính chuyên nghiệp.

Đặc biệt, TS Trần Kim Chung nhấn mạnh: Cần có chính sách khơi thông dòng chảy luồng tiền, thay vì hỗ trợ tài chính từ phía cung (người làm) sẽ chuyển sang phía cầu (người mua) với những điều kiện vay vốn ưu đãi nhất định dành cho một số đối tượng khách hàng cụ thể khi có giao dịch được thực hiện. Trước đây, chúng ta đã thực hiện các gói hỗ trợ người mua nhà ở xã hội vay vốn ưu đãi đã góp phần thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển.

Cuối cùng là giải pháp liên quan đến thông tin truyền thông cần hướng tới hỗ trợ thị trường chuyên nghiệp hơn, trưởng thành hơn, thực chất hơn.

Bạn cần thông tin thêm

Hãy để lại thông tin liên hệ và yêu cầu của bạn để được tư vấn và nhận bảng giá mới nhất.